Bán căn hộ chung cư, xuống mặt đất ở để thỏa mong ước trang trí, xây dựng nhà theo ý muốn, anh Hải lựa chọn vật liệu xây dựng và đồ nội thất kỹ khi xây nhà mới. Anh thuê kiến trúc sư thiết kế, thuê một công ty xây dựng thi công, và nhờ bố ở dưới quê lên trông coi thợ làm.
Anh Hải chọn gạch lát nền loại chất lượng tốt (mỗi viên 60 x 60 cm) với giá hơn 300.000 đồng một m2, nhưng sau hai năm sử dụng, nền gạch ở góc phòng khách bị bộp và bong tróc. Khiếu nại với người bán vật liệu xây dựng và kiến trúc sư, anh Hải mới được biết nguyên nhân là vì ban đầu đã chọn ốp lát bằng hồ dầu (vữa - được làm từ cát trộn xi măng và nước), không tương thích với gạch khổ lớn nên gạch nhanh bong tróc.
Anh Nguyễn Văn Dũng, một nhà thầu xây dựng hơn 15 năm kinh nghiệm tại TP HCM cho biết, tuổi thọ của một nền gạch phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng vẫn là vật liệu và phương pháp thi công, ngoài ra một phần ở cách sử dụng của người tiêu dùng.
Theo anh Dũng, so với các loại gạch bông lát nền ceramic trước đây, các loại gạch lát nền hiện nay như gạch sứ, gạch vân đá... kích thước lớn, đẹp, bóng, cứng và bền hơn.
Do chất lượng gạch thay đổi nên phương pháp thi công cũng cần cải tiến theo. Các loại gạch bông, ceramic có độ xốp và hút nước cao, nên sử dụng hồ dầu theo cách truyền thống là phù hợp. Loại gạch này có nhiều lỗ rỗng khiến hồ dầu có thể dễ dàng len lỏi vào các mao dẫn tạo bởi các lỗ rỗng của gạch, giúp bám dính chắc chắn.
Tuy nhiên, gạch sứ khổ lớn như của nhà anh Hải với kết cấu chắc, phần trăm lỗ rỗng thấp, độ hút nước chỉ khoảng 0,05 -0,1% khiến hồ dầu không có cơ hội phát huy tác dụng. Do không tương thích, hồ dầu không tạo độ bám dính với gạch, dẫn đến hiện tượng sau một thời gian ngắn, gạch sẽ bong tróc khỏi nền và nứt vỡ, nhất là khi phải chịu một lực mạnh tác động, hay bị khối lượng nặng đè lên.
Anh Dũng quan sát khi xây nhà, nhiều chủ nhà chỉ quan tâm đến các vật liệu cơ bản như sắt thép, sơn nước, các thiết bị nội thất, hay chọn mẫu gạch yêu thích... Phần lựa chọn vật liệu ốp lát gạch cho nền và tường để đảm báo chất lượng cho ngôi nhà thì không được chú trọng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực keo dán gạch cho biết, keo dán gạch ra đời chính vì mục tiêu đáp ứng sự phát triển của gạch: kích thước lớn hơn, độ cứng cao hơn và khả năng hút nước thấp hơn nhưng đòi hỏi độ bám dính cao hơn.
Ông bổ sung thêm, dùng keo dán gạch, người thợ có nhiều thời gian điều chỉnh vị trí đặt gạch hơn so với hồ dầu, cụ thể là 10-20 phút sau khi trát keo, tùy từng loại keo cụ thể. Hồ dầu sau khi trát sẽ khô trong vòng 5 phút, nên sẽ hạn chế khả năng có thểu điều chỉnh gạch thẳng và phẳng, nên hồ dầu chỉ phù hợp với những viên gạch khổ nhỏ.
"Thực tế, có một số thợ cho rằng keo dán gạch chỉ là nguyên liệu phụ, bổ sung cho hồ dầu, họ trộn cả xi măng, cát và keo dán gạch với nhau, làm giảm độ kết dính của keo dán gạch", vị này nhận xét.
Ông cũng khuyên, để nền gạch bền chắc nhất, nên sử dụng kéo dán gạch phù hợp với từng không gian sống. Ví dụ keo dán gạch Weber có loại dán gạch dùng cho nền nhà thông thường, có loại dùng cho nhà vệ sinh - khu vực thường xuyên tiếp xúc với nước, sân thượng - khu vực chịu nhiều tác động của mưa nắng ngoài trời, bể bơi - nơi đọng nước và chịu áp lực nước lớn. Keo dán gạch Weber là sản phẩm thuộc tập đoàn Saint-Gobain đến từ Pháp.
Hoàng Anh